Thứ bảy, 03/05/2025, 07:10 GMT+7
Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường huyết giảm xuống thấp hơn 3.9mmol/L.
Phân loại hạ đường huyết:
Hạ đường huyết được phân thành hạ đường huyết phản ứng và hạ đường huyết khi đói.
1. Hạ đường huyết khi đói:
Nguyên nhân thường gặp nhất gây tình trạng hạ đường huyết này là do thuốc. Insulin, sulfonylurea và rượu chiếm 70% các trường hợp. Uống rượu trong khi nhịn ăn kéo dài dẫn đến tình trạng hạ đường huyết do ức chế quá trình tân tạo đường.
Trong trường hợp bệnh lý nguy kịch chẳng hạn bệnh gan, bệnh thận giai đoạn cuối, bị đói ăn và tình trạng nhiễm khuẩn, sử dụng đường có thể vượt mức sản xuất, vì vậy gây hạ đường huyết. Các bệnh lý ác tính không phải của tụy, bao gồm u lympho, u tế bào gan, bệnh lơxêmi và u quái cũng có thể gây hạ đường huyết do chế tiết yếu tố tăng trường giống insulin 2 (IGF-2),chất này có thể tăng sử dụng và ức chế sản xuất glucose.
2. Hạ đường huyết phản ứng sau bữa ăn:
Hạ đường huyết phản ứng theo định nghĩa xảy ra sau bữa ăn. Triệu chứng gợi ý: Run tay chân, mệt mỏi, lo lắng, choáng váng, giảm chức năng nhận thức và cảm giác đói cồn cào xảy ra 2 giờ sau ăn. Tình trạng này do sự hấp thu đường nhanh dẫn đến nồng độ insulin tăng cao phản ứng một cách quá mức so với nồng độ đường máu thực có. Nếu hạ đường huyết phản ứng được quan sát ở bệnh nhân trong tình trạng sau phẫu thuật giảm béo, cần xem xét khả năng hạ đường huyết do tăng nồng độ insulin máu.
3. Biểu hiện lâm sàng:
Tam chứng Whipple:
Các triệu chứng thần kinh tự động của hạ đường huyết do hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm, và các triệu chứng thần kinh trung ương do hạ đường huyết là hậu quả của tình trạng cung cấp đường huyết cho não không thỏa đáng gây nên.
Triệu chứng thần kinh tự động |
Triệu chứng thần kinh trung ương |
Trống ngực Run rẩy Lo lắng Vã mồ hôi Cảm giác đói cồn cào Dị cảm |
Lẫn lộn Mệt mỏi Co giật Mất ý thức Khiếm khuyết thần kinh khu trú |
4. Xử trí:
Điều trị bằng đường 15 – 20g đường uống (nếu bệnh nhân còn tỉnh táo) hoặc thay thế bằng bất dạng carbohydrate nào (Nước ép, nước ngọt, viên đường,...)
MỘT KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM ĐƯỜNG HUYẾT TĂNG CAO VÀO BUỔI SÁNG!
HIỆU ỨNG SOMOGYI HAY HIỆN TƯỢNG BÌNH MINH?
Hiện tượng bình minh:
Xuất phát từ việc đường huyết tăng cao vào buổi sáng do sự điều chỉnh nồng độ hormon theo điều kiện tự nhiên của cơ thể. Bình thường lúc 2 – 3h sáng đường huyết giảm, cùng lúc đó thì lượng insulin sẽ rất thấp do tụy giảm tiết. Sau đó từ 3 – 8h sáng, cơ thể bắt đầu giải phóng đường dự trữ từ gan vào máu để chuẩn bị cho một ngày mới cùng với các hormon (Hormon tăng trưởng, cortisol và glucagon). Các hormon này làm giảm độ nhạy của cơ thể với insulin, cùng với nồng độ insulin sẵn có trong máu thấp, khiến cho lượng đường huyết tăng cao đột ngột vào buổi sáng. Những người khỏe mạnh có thể đối phó với tình trạng này bằng cơ chế tiết ra nhiều insulin để điều chỉnh nồng độ glucose trong máu. Nhưng ở người bị đái tháo đường không làm được điều này và kết quả tất yếu là tăng cao đường huyết vào buổi sáng.
Hiệu ứng Somogyi:
Còn được gọi là tăng đường huyết phản ứng, là do việc kiểm soát đường huyết “quá đà”, làm hạ đường huyết về đêm, cơ thể thích ứng bằng cách tăng sản xuất các hormon đối kháng insulin làm tăng đường huyết vào buổi sáng.
Hiệu ứng Somogyi thường gặp ở những người bệnh đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt do ăn không đủ nguồn tinh bột, uống quá nhiều rượu hoặc sử dụng quá liều insulin. Điều này dẫn đến đường huyết của người bệnh hạ thấp trong khi ngủ. Dẫn đến tình trạng cơ thể đối phó bằng cách tăng tiết
các hormon làm tăng đường huyết, vô tình khiến lượng đường trong máu tăng lên cao vào buổi sáng kế tiếp. Tăng đường huyết do hiệu ứng Somogyi là kiểu tăng đường huyết dội ngược, một kiểu đáp ứng của cơ thể chống lại sự hạ đường huyết. Hiệu ứng này không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng, tuy nhiên, đổ mồ hôi và đau đầu vào buổi sáng có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Nguyên nhân của hiện tượng Somogyi bao gồm tình trạng dư thừa insulin hoặc tiêm insulin không đúng giờ, bỏ lỡ bữa ăn hoặc ăn nhẹ và sử dụng insulin không có chủ ý. Nếu bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Somogyi, người bệnh nên ăn nhẹ trước khi ngủ hoặc trao đổi với bác sỹ về liều insulin sử dụng ban đêm.
NHƯ VẬY: Hiện tượng bình minh và hiệu ứng Somogyi giống nhau đều tăng đường huyết vào buổi sáng nhưng khác nhau ở chỗ hiệu ứng Somogyi có hạ đường huyết về đêm còn hiện tượng bình minh thì không. Khác biệt này rất quan trọng vì thái độ xử trí rất khác biệt thậm chí là trái ngược nhau.
NÊN: Với 1 kết quả đường huyết tăng cao vào buổi sáng, trước khi áp dụng các biện pháp điều trị điều quan trọng hơn hết phải hiểu được nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Để phân biệt hiệu ứng Somogyi và hiện tượng bình minh, người bệnh cần được kiểm tra đường huyết trước lúc đi ngủ, lúc 2 – 3 giờ sáng và khi vừa ngủ dậy. Việc này phải được thực hiện trong vài ngày liên tiếp trước khi đưa ra sự điều chỉnh trong điều trị.
+ Nếu đường huyết lúc đi ngủ và trong khoảng 2 – 3 giờ sáng bình thường nhưng lại cao vào lúc thức dậy thì có thể người bệnh đang bị ảnh hưởng của hiện tượng bình minh.
+ Nếu đường huyết thấp trong khoảng 2 – 3 giờ sáng và cao trong khi vừa ngủ dậy thì có thể người bệnh đang bị tăng đường huyết phản ứng do hiệu ứng Somogyi.