Thứ tư, 11/09/2024, 10:15 GMT+7
Đột quỵ não là một tình trạng khẩn cấp y tế, việc phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể là yếu tố quyết định cho sự phục hồi chức năng thần kinh hoàn toàn và tránh những hậu quả nặng nề.
Vừa qua Bệnh viện Quốc tế Tâm Trí Hồng Ngự phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã tiếp nhận và xử trí thành công bằng thuốc tiêu sợi huyết cho nhiều trường hợp vào viện với triệu chứng Đột quỵ thiếu máu não cấp và sớm dưới 4,5 giờ.
Đột quỵ thiếu máu não là nguyên nhân gây ra hơn 80% các trường hợp đột quỵ não. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhồi máu não là gì? Triệu chứng nhồi máu não ra sao? Điều trị nhồi máu não như thế nào? Nhồi máu não có phục hồi được không, có để lại di chứng nặng nề không ? Và phòng ngừa nhồi máu não như thế nào?
1. Nhồi máu não là gì ?
Nhồi máu não là tình trạng bệnh lý xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn hoặc do hạ huyết áp, dẫn đến thiếu cung cấp máu lên não. Điều này khiến một phần não bị suy giảm chức năng, rối loạn hoạt động. Nếu kéo dài và không được khắc phục kịp thời có thể gây ra tình trạng hoại tử não do thiếu oxy và glucose.
Thời gian cấp cứu bệnh nhồi máu não càng chậm trễ thì nguy cơ dẫn đến hoại tử càng cao. Phần não bị hoại tử do nhồi máu não rất khó để hồi phục, thậm chí là không thể. Tùy vào vùng não bị tổn thương mà người bệnh có thể tàn phế hoặc tử vong.
2. Triệu chứng Nhồi máu não
2.1 Lâm sàng
Theo hướng dẫn của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), sử dụng thuật ngữ “F.A.ST” để nhận ra dấu hiệu đột quỵ. Cụ thể là:
F (Face): Khuôn mặt – Yêu cầu người nghi ngờ đột quỵ cười hoặc để lộ răng. Xem khuôn mặt của họ có bị méo mó ở một bên không? Một bên mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
A (Arms): Cánh tay – Yêu cầu người bệnh giơ cả hai cánh tay lên. Có một cánh tay không thể nâng lên hoặc bị rơi xuống, không thể giơ hai tay lên cao qua khỏi đầu là một trong những dấu hiệu đột quỵ phổ biến nhất.
S (Speech): Lời nói – Người có dấu hiệu đột quỵ thường khó phát âm một câu đơn giản, ví dụ: “Hôm nay trời đẹp quá”. Người bệnh có thể nói lắp, khó hiểu hoặc họ không thể nói gì cả.
T (Time): Thời gian – Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ, thậm chí chỉ một trong số chúng, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Mỗi phút đối với người bị đột quỵ đều quý giá và việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu tổn thương ở não và tăng cơ hội phục hồi.
2.2 Cận lâm sàng
CT scan sọ não sẽ được chỉ định đầu tiên để loại trừ xuất huyết não hay các nguyên nhân khác, đồng thời trong một số trường hợp có thể thấy được hình ảnh nhồi máu não sớm. Chụp mạch máu bằng CT scan (CTA) thường được chỉ định để xem có hình ảnh tắc các mạch máu lớn hay không nhằm quyết định điều trị lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Chụp cộng hưởng từ não (MRI) thường cần nếu muốn chẩn đoán rõ hơn và thường được làm sau khi chụp CT scan não vì chụp MRI thường mất thời gian và có thể làm chậm thời gian vàng điều trị.
3. Điều trị
Khi xác định chính xác nhồi máu não cấp tính, khởi phát dưới 4,5 giờ thì sẽ tiến hành điều trị cấp cứu bằng quy trình cấp cứu nhồi máu não cấp gồm nhiều bước, nhiều biện pháp. Trong đó, quan trọng nhất là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết ngay lập tức nếu không có chống chỉ định nào.
Đồng thời với quy trình điều trị như trên, bệnh nhân sẽ được đánh giá xem vị trí tắc mạch ở đâu, não đã tổn thương nhiều hay ít bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính mạch não và/hoặc cộng hưởng từ để xem xét lấy cục máu đông gây nghẽn động mạch não ra ngoài bằng một dụng cụ và phương pháp đặc biệt, gọi là phương pháp lấy huyết khối cơ học bằng dụng cụ.
Sau đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị nội khoa, theo dõi hồi phục, chăm sóc và phục hồi chức năng. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc dự phòng đột quỵ tái phát lâu dài.
4. Nhồi máu não có phục hồi hay để lại di chứng nặng nề không?
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, thời gian cấp cứu mà người bệnh nhồi máu não có khả năng hồi phục khác nhau. Cụ thể, đối với những bệnh nhân trẻ tuổi, tình trạng bệnh nhẹ, chỉ liệt một nửa cơ thể thường có cơ hội phục hồi cao hơn so với bệnh nhân đã liệt toàn thân. Đối với người cao tuổi, người bệnh bị vỡ mạch máu não… thì tỉ lệ hồi phục là rất thấp.
Mặc dù khả năng phục hồi 100% đối với bệnh nhân nhồi máu não là rất khó, tuy nhiên nếu được chăm sóc đúng cách, tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, kết hợp dinh dưỡng và phương pháp vật lý trị liệu, người bệnh có thể phục hồi 90% – 95%.
Nhìn vào những bệnh nhân mắc phải tình trạng nhồi máu não, có thể thấy di chứng mà nó gây ra không thể xem thường.
Dưới đây là một số di chứng nghiêm trọng do nhồi máu não gây ra:
-Liệt nửa người: Có nhiều loại liệt và vị trí khác nhau tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương trong quá trình bị nhồi máu.
- Tình trạng co cơ, co rút và biến dạng cơ thể. Khoảng 25 - 30% người bị liệt sau nhồi máu có nguy cơ giao tiếp khó khăn, như khả năng nghe hiểu kém, không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, khả năng đọc và viết kém,...
- Ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng: Người bệnh thường có suy nghĩ tiêu cực và sống trong sự thu mình. Các triệu chứng về cảm xúc như trầm cảm, khó kiểm soát hoặc thể hiện cảm xúc, phiền muộn. Cuộc sống gia đình, xã hội, công việc và hoạt động hàng ngày,... tất cả đều bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.
5. Phòng chống bệnh nhồi máu não
Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất là phát hiện sớm và điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não như tăng huyết áp, đái tháo đường, các rối loạn nhịp tim, bệnh van tim.
- Cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, giảm ăn mặn và thức ăn chứa nhiều cholesterol; hạn chế rượu bia, phòng tránh thừa cân, béo phì…
- Tập thể dục thể thao mỗi ngày, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; tránh căng thẳng, lo âu về thể chất và tinh thần… sẽ giúp bạn phòng chống bệnh nhồi máu não hiệu quả.
- Dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn chặn sự hình thành mảng xơ vữa, thuốc giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp…
Khi xuất hiện một trong những triệu chứng trên nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh các biến chứng xấu nhất có thể xảy ra. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà thực hiện các biện pháp sơ cứu dân gian như cạo gió, nặn máu, chích lễ… sẽ rất nguy hiểm.