Thứ ba, 19/11/2024, 07:00 GMT+7
Tăng huyết áp có hai thể: Tăng huyết áp vô căn (tăng huyết áp nguyên phát) chiếm tỉ lệ 90%. Tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát) chiếm tỉ lệ10%.
Huyết áp bình thường: Huyết áp <140/ 90 mmHg (huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tối đa nhỏ hơn 140mmHg, huyết áp tâm trương hoặc huyết tối thiểu nhỏ hơn 90 mmHg)
Tăng huyết áp: Huyết áp ≥ 140 /và hoặc 90 mmHg
Cơn tăng huyết áp là huyết áp tăng cao đột ngột ≥ 180/120 mmHg phải điều trị ngay và kịp thời. Cơn tăng huyết áp chia 2 loại:
+ Tăng huyết áp khẩn cấp là huyết áp tăng cao đột ngột ≥ 180/120 mmHg chưa có tổn thương cơ quan đích.
+ Tăng huyết áp cấp cứu là huyết áp tăng cao đột ngột ≥ 180/120 mmHg có bằng chứng tổn thương cơ quan đích (tim, mắt. não, thận).
Yếu tố nguy cơ bệnh tăng huyết áp
+ Tiền sử gia đình có người bệnh tăng huyết áp hoặc có bệnh tim.
+ Bản thân có bệnh đái tháo đường, rối loạn lipide máu, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, hội chứng ngưng thở khi ngủ, béo phì, stress và căng thẳng tâm lý, ít vận động thể lực, thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
Nguyên nhân tăng huyết áp
+ Do dùng thuốc: cam thảo, corticoid, thuốc ngừa thai uống, kháng viêm không steroid, cocaine, amphetamin, erythropoietin và cyclosporine.
+ Bệnh thận: bệnh nhu mô thận, bệnh mạch máu thận (hẹp eo động mạch thận).
+ Bệnh nội tiết: cường giáp, hội chứng Cushing, u tủy thượng thận, u võ thượng thận (hội chứng Conn), cường aldosterone nguyên phát, bệnh to đầu chi (Acromegaly).
+ Các nguyên nhân khác: tăng huyết áp thai kỳ, xơ cứng bì (bệnh Collagen).
Triệu chứng bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường diễn tiến thầm lặng không có triệu chứng trong một thời gian dài. Tuy nhiên đôi khi người bệnh có triệu chứng không nên bỏ qua như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chảy máu mũi, nhịp tim nhanh, thay đổi thị lực, ù tai. Khi bệnh diễn tiến nặng (tổn thương cơ quan đích) như nhìn mờ, đau tức ngực, tiểu máu, lú lẫn, liệt nữa người. Những dấu hiệu này cảnh báo tình trạng bệnh tăng huyết áp nghiêm trọng và cân phải được theo dõi chặt chẽ. Tiên lượng thường không tốt.
Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp có nguyên nhân điều trị nguyên nhân sẽ kiểm soát được huyết áp.
Tăng huyết áp vô căn kiểm soát huyết áp bằng phương pháp thay đổi lối sống (không dùng thuốc) và phương pháp dùng thuốc.
Phương pháp thay đổi lối sống (không dùng thuốc)
Phương pháp điều trị này rất quan trọng trong quá trình kiểm soát huyết áp.
- Giảm cân: Nếu thừa cân hoặc béo phì sẽ tăng áp lực lên hệ tim mạch, gây tăng huyết áp. Vì vậy phải có kế hoạch giảm cân để đạt cân nặng lý tưởng, tức chỉ số khối cơ thể BMI=cân nặng(kg)/chiều cao x chiều cao (m)= 18,5-22,9kg/ m2; vòng bụng <90 cm (nam); < 80 cm (nữ), để đạt được cân nặng lý tưởng người bệnh cần.
Một là tiết chế lại chế độ ăn uống như hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol, axit béo no (các loại thịt, trứng, mỡ động vật, thức ăn nhanh, sữa và các sản phẩm từ sữa). Ăn nhiều thực phẩm từ sữa ít béo, rau xanh, trái cây nhiều màu sắc, ngủ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, sữa ít béo, thịt nạc, cá và gia cầm.
Hai là tập thể dục đều đặn và thường xuyên như đi bộ ít nhất là 30 phút trong ngày, tăng cường vận động thể lực. Việc tập luyện thể dục giúp giảm huyết áp, giảm cân hoặc giữ cho cân nặng phù hợp và giảm stress
- Hạn chế muối ăn và thực phẩm nhiều muối: dùng thực phẩm nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp. Vì nhiều muối, hàm lượng natri trong máu tăng cao, làm gia tăng áp lực thẩm thấu và kéo nước vào trong lòng mạch máu. Hậu quả là thể tích máu trong tuần hoàn tăng lên, làm tăng áp lực lên thành mạch (tăng huyết áp) và tăng gánh nặng cho tim.
Để ăn giảm muối, người bị bệnh tăng huyết áp cần: giảm lượng muối ăn tiêu thụ mỗi ngày xuống dưới 3.000 mg (tương đương với khoảng 1/2 muỗng cà phê) hoặc ít hơn. Vì vậy tốt nhất không nên dùng các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa cà muối, xúc xích, giò lụa, thức ăn đóng hộp, các loại hải sản khô.
- Hạn chế uống rượu-bia: rượu-bia kích thích hệ thần kinh giao cảm làm tăng noradrenaline, dẫn đến kích thích các thụ thể adrenergic nằm trong cơ tim, nhịp tim và huyết áp sẽ tăng lên. Giới hạn lượng rượu-bia nếu có uống phải uống ở mức <14 đơn vị/tuần đối với nam và <8 đơn vị/tuần đối với nữ (1 đơn vị tương đương 125 ml rượu vang hoặc 250 ml bia).
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá.
- Tránh nhiễm lạnh đột ngột.
- Tránh lo âu, giảm căng thẳng: bằng cách nghe nhạc, tập yoga, thiền hoặc đơn giản là ngủ đủ giấc và sắp xếp thời gian họp lý cho các hoạt động hằng ngày để giảm áp lực tinh thần, củng giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp hiệu quả.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên: giúp nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chảy máu mũi, nhịp tim nhanh, thay đổi thị lực, ù tai, để có thể kiểm soát huyết áp kịp thời.
Phương pháp dùng thuốc
- Kiểm soát tốt các bệnh liên quan như bệnh đái tháo đường, rối loạn lipide máu, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn …
- Dùng thuốc huyết áp bệnh cần phải tuân thủ uống theo toa Bác sĩ và tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ
- Điều trị thuốc tăng huyết áp phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây.
+ Trước tiên, chỉ dùng một loại thuốc, dùng liều thấp ban đầu và tăng liều dần để đạt huyết áp mục tiêu < 140/90 mmHg.
+ Nếu không hiệu quả, mới kết hợp hai loại thuốc huyết áp.
+ Nếu thuốc được chọn đầu tiên có hiệu quả kém và có nhiều tác dụng phụ thì Bác sĩ phải đổi nhóm thuốc khác, không cần tăng liều hoặc kết hợp thêm thuốc thứ hai.
- Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
+ Ức chế thần kinh trung ương: thuốc Alpha Methyl Dopa (Aldomet) chỉ dùng khi tăng huyết áp thai kỳ và tăng huyết áp có suy thận. Vì tác dụng phụ trầm cảm, tổn thương gan, bất lực.
+ Lợi tiểu: tác dụng phụ giảm kali máu, giảm magne máu, có thể gây tăng đường huyết, nguy cơ gây bệnh Gout và rối loạn cương dương ở nam giới
+ Thuốc ức chế beta: tác dụng phụ chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim sẽ dẫn đến giảm nhu cầu oxy cơ tim, block nhĩ thất, co thắt phế quản, loét dạ dày tá tràng, hội chứng Raynaud, đau ngực khi ngưng thuốc đột ngột, giảm LDL-C và tăng triglyceride.
+ Ức chế canxi: tác dụng phụ nóng bừng mặt, phù mắt cá chân và có 2 nhóm
. Nhóm DHP (Dyhydropyridine):chủ yếu giản mạch. Có các thuốc Nifedipine, Felodipine. Manidipine, Amlodipine.
. Nhóm Non-DHP (Không-Dyhydropyridine): chủ yếu tác động lên nút xoang và nút nhĩ thất. Có các thuốc Diltiazem, Verapamil.
+ Ức chế men chuyển Angiotensin: tác dụng phụ ho khan, tăng kali máu, suy thận, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, nổi ban và phù mạch (hiếm gặp) nhưng có thể gây tử vong. Nhóm này có 2 loại
. Loại 1: không chuyển hóa do vậy chỉ ngậm dưới lưỡi mới có tác dụng giản mạch và chỉ có duy nhất thuốc Captopril 25mg.
. Loại 2: chỉ có hoạt tính khi chuyển hóa thành muối “Prilat”. Có các loại thuốc Enalapril, Fesinopril, Ferindopril, Quinapril, Ramipril..
. Loại 3: có thuốc Líinopril.
+ Ức chế thụ thể Angiotensin II: khắc phục tác dụng phụ của các nhóm thuốc khác như lợi tiểu, ức chế beta, ức chế canxi, ức chế men chuyển. Có các loại thuốc Losartan, Irbesartan, Candesartan, Valsartan, Olmesartan, Telmisartan.