Permanent Doctor 0348 111 515
Emergency Hotline 02773 828 115
banner

THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT : CĂN BỆNH PHỔ BIẾN Ở MỌI LỨA TUỔI

Tuesday, 12/09/2023, 07:59 GMT+7

Những triệu chứng như khó thở, nhịp tim tăng, hoa mắt, choáng váng, mệt mõi, cảm thấy lạnh,.. là những triệu chứng thường gặp ở người thiếu máu. Thiếu máu là bệnh phổ biến,có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân thường do thiếu sắt nên khi nói bệnh thiếu máu thiếu sắt tức là bệnh thiếu máu do nguyên nhân thiếu sắt. Vậy làm thế nào để nhận biết cơ thể đang thiếu máu? Thiếu máu kéo dài ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?  Cần làm gì để giúp cơ thể tránh tình trạng thiếu máu?... Hãy cùng Tâm Trí Hồng Ngự tìm hiểu nhé !

Vừa qua, Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.T.M  36 tuổi ( ngụ Hồng Ngự - Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng mệt mõi, khó thở, nặng ngực chưa rõ nguyên nhân. Thông qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu mạn do thiếu sắt mức độ nặng biến chứng nhồi máu cơ tim cấp. Tại thời điểm nhập viện, chỉ số huyết sắc tố (Hb) của bệnh nhân là 4,3 g/dl (giá trị bình thường 12,5- 14,5 g/dl), nghĩa là lượng máu trong cơ thể bệnh nhân chỉ bằng 1/3 so với người khỏe mạnh, xét nghiệm đánh giá lượng sắt dự trữ trong cơ thể (Ferritine) ở mức dưới 1.00 ng/ml, định lượng sắt huyết thanh là 7 ug/dl, ngoài ra giá trị men tim (Troponin T hs) tăng cao, điện tâm đồ có biểu hiện thiếu máu cơ tim rõ. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến khoa Hồi sức để điều trị và theo dõi sát.

01

02

03

04_1

Điện tâm đồ lúc nhập viện: ST chênh xuống ở các chuyển đạo I, aVL, V3-6, ST chênh lên nhẹ (0,5 mV) ở III, aVF

Bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp được Bác sĩ lâm sàng nhận định là nhồi máu cơ tim thứ phát hay type 2, cụ thể trên bệnh nhân này là do tình trạng thiếu máu nặng dẫn đến lượng máu đến nuôi tim giảm mà không phải do tắc nghẽn mạch máu nuôi tim (động mạch vành, tức là nhồi máu cơ tim nguyên phát hay type I truyền thống). Hướng điều trị nhồi máu cơ tim thứ phát trên bệnh nhân này chủ yếu là giải quyết tình trạng thiếu máu trước, thì tình trạng thiếu máu cơ tim cấp sẽ hồi phục mà không cần phải đặt stent nong mạch vành. Thực tế, sau khi bệnh nhân được truyền 2 đơn vị máu 350 ml (hồng cầu lắng) thì tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, hết khó thở, điện tâm đồ hết dấu hiệu thiếu máu cơ tim trở về bình thường, men tim (Troponin T hs) giảm dần, siêu âm tim bình thường. Sau thời gian điều trị 3 ngày, bệnh nhân được kê toa xuất viện và hẹn tái khám định kỳ.

 

 

Điện tâm đồ sau truyền máu: ST hết chênh xuống ở chuyển đạo I, aVL, V3-6; ST hết chênh lên ở chuyển đạo III, aVF

zalo_last_screenshot


Bệnh thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới và có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Nguyên nhân do mất máu hoặc kém hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ mà biểu hiện bệnh khác nhau. Nhìn chung thiếu máu gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao… Tuy nhiên đối với trường hợp bệnh nhân T.T.M là một trường hợp đặc biệt vì mức độ thiếu máu của bệnh nhân rơi vào mức độ rất nặng, bệnh nhân có  biểu hiện suy nhược cơ thể, bị biến chứng về tim mạch, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn tới suy tim, trụy tim mạch và tử vong.

NHỮNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA THIẾU MÁU THIẾU SẮT

Triệu chứng lâm sàng của thiếu máu thiếu sắt diễn biến từ từ qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chỉ giảm sắt dự trữ nên người bệnh chưa bị thiếu máu, thường có một số triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt.

Giai đoạn 2: Đã cạn sắt dự trữ và giảm sắt vận chuyển, người bệnh chưa có biểu hiện rõ tình trạng thiếu máu, có triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt; bắt đầu có triệu chứng của thiếu sắt như: Mất tập trung, mệt mỏi…

Giai đoạn 3: Thiếu máu và thể hiện là có cả triệu chứng của thiếu máu và thiếu sắt. Tuy nhiên, ranh giới giữa các giai đoạn không rõ ràng.

Triệu chứng cơ năng: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, tức ngực, giảm khả năng hoạt động thể lực và trí lực.

Triệu chứng thực thể: Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA THIẾU MÁU, THIẾU SẮT

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cơ thể thiếu hụt sắt dẫn đến thiếu máu, một số nguyên nhân phổ biến thường gặp như :

  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý :  thiếu hụt sắt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày (đặc biệt với người ăn chay trường, ăn kiêng,...) hoặc người ăn uống kém (người lớn tuổi, mắc bệnh lý,...) khiến lượng sắt cung cấp cho cơ thể không đủ. 
  • Nhu cầu sắt của cơ thể tăng :  ở một số giai đoạn như trẻ sinh non hay từ 5 12 tháng tuổi, tuổi dậy thì, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú,... Việc bổ sung qua thực phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu nhưng không cung cấp bằng các phương thức khác.
  • Một số trường hợp như phẫu thuật cắt một đoạn của đường tiêu hóa như ruột, dạ dày, rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc thường xuyên dùng thuốc, hóa chất,... có thể làm giảm khả năng chuyển hóa và hấp thu sắt trong cơ thể.
  • Cơ thể mất máu do rối loạn kinh nguyệt, u xơ tử cung, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng,...

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU MÁU BẰNG CÁCH :

-  Ăn uống vệ sinh, khoa học, đầy đủi các thành phần, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể…

- Hạn chế ăn gia vị nhân tạo, dầu mỡ…

- Xây dựng chế độ sinh hoạt, làm việc cân đối;

- Tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

- Phụ nữ cần lưu ý đến kỳ kinh hoặc thai kỳ : Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sắt qua viên uống tổng hợp ( khi được sự chỉ định của Bác sĩ )

- Tránh để tình trạng thiếu máu kéo dài. Nếu thấy có triệu chứng thiếu máu cần lắng nghe cơ thể, đến cơ sở y tế uy tín thăm khám trực tiếp với Bác sĩ.

- Nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

 Lưu ý : Đối với người mắc bệnh thiếu máu không nên tự ý bổ sung sắt hoặc dùng các thực phẩm chức năng có công dụng bổ máu trên thị trường mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung có thể gây tác đụng phụ. Đồng thời làm gia tăng nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe. Nếu bổ sung thừa các chất sắt, acid folic hoặc vitamin B12 sẽ xảy ra tình trạng ứ sắt, thừa các vi lượng khác trong cơ thể. Từ đó có thể gây ra các tình trạng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay…

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, thiếu máu còn là nguy cơ gây trầm trọng hơn các bệnh lý khác. Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra thiếu máu và phương pháp điều trị thích hợp, bệnh nhân khi có biểu hiện của thiếu máu nên thăm khám với bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín.

Khoa HSTC-CĐ

 


Bv Tâm Trí Hồng Ngự
TAG: