Permanent Doctor 0348 111 515
Emergency Hotline 02773 828 115
banner

TÌM HIỂU VỀ VA, VIÊM VA VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Monday, 05/06/2023, 09:50 GMT+7

VA là mô tân bào nằm ở vòm, gồm VA vòm ở nóc vòm và 2 VA vòi ở hai bên vòi nhĩ. VA vòm, VA vòi, amidan khẩu cái và amidan đáy lưỡi hợp với nhau tạo thành một vòng gọi là vòng Waldeyer. Tất cả thức ăn, nước uống và không khí khi vào cơ thể qua đường mũi họng đều phải đi ngang qua vòng này. Với nhiệm vụ chính là miễn dịch, vòng Waldeyer được xem là có lợi và luôn được điều trị bảo tồn, khác với các quan điểm cũ là phải cắt/nạo bỏ khi có thể. Nhưng khi các tổ chức trong vòng này bị nhiễm trùng hoặc quá phát cũng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

z4405271853878_5e541448ca251f0bbdb7207c20563644

Khi vừa mới sinh ra, VA hoàn toàn không có vi khuẩn. Nhưng khi bé mới vừa hít vào hoặc bú sữa lần đầu tiên, quẹt VA tìm vi khuẩn sẽ phát hiện rất nhiều vi khuẩn. Đó là những vi khuẩn có trong không khí, trên tay người chăm bé hoặc trong sữa, khi đi vào trong cơ thể sẽ bám vào VA. Tuy vậy, các vi khuẩn này không gây hại cho bé do bé được bảo vệ bởi kháng thể của mẹ truyền sang qua nhau thai lúc còn trong bụng mẹ. Quá trình này duy trì trong 6 tháng đầu tiên.

Hầu hết các bé khi lớn lên đều bị viêm VA, chính vì vậy cơ thể bé mới làm tròn nhiệm vụ miễn dịch. Nhờ vào nhiệm vụ miễn dịch mà cơ thể có thể chống lại vi khuẩn thường xuyên.

Về cách nhận biết viêm VA, đầu tiên bệnh nhi bị sổ mũi. Nước mũi ban đầu có thể trong, sau chuyển màu và có thể đục như mủ. VA càng to, nghẹt mũi và chảy mũi càng nhiều. Tình trạng viêm VA diễn ra lâu ngày dẫn đến chảy mũi liên tục màu vàng hoặc xanh, trong y khoa thường hay mô tả là “thò lò mũi xanh”. Ở mức độ nặng, bệnh nhi thường há miệng để thở do nghẹt mũi, do đó làm cho miệng khô và dễ ho. Tình trạng này kéo dài dẫn đến những biến dạng về khuôn mặt như vẻ mặt khờ khạo, răng hàm trên lởm chởm không đều và hô, mũi chảy thò lò. Đây là “bộ mặt VA”.

doctor-holding-cute-baby-front-view

Khi khám sẽ ghi nhận dịch đọng nhiều ở 2 bên hốc mũi. Sau hút mũi sẽ thấy niêm mạc mũi đỏ, VA to từ độ I đến độ IV tùy vào tình trạng của bệnh nhi. Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, amidan có thể viêm, thành sau họng nhiều dịch nhầy đục hoặc mủ từ trên mũi chảy xuống.

VA không chỉ là một bệnh viêm nhiễm khu trú tại chỗ mà có thể gây biến chứng viêm nhiễm ở các tổ chức lân cận như:

  • Viêm mũi xoang: bệnh nhi nghẹt mũi, chảy dịch mũi đục.
  • Viêm tai giữa: bệnh nhi đau tai, sốt, khám tai thấy màng nhĩ phồng đỏ hoặc thủng, có dịch mủ đục.
  • Viêm amidan: bệnh nhi sốt, khám họng thấy amidan to, đỏ, có mủ.
  • Viêm thanh quản: bệnh nhi sốt cao, khàn tiếng, khó thở, khám thanh quản qua nội soi thấy dây thanh phù nề.
  • Rối loạn tiêu hóa: đau bụng, bụng trướng, tiêu chảy

Bên cạnh đó, có một số bệnh lý có triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể tương đồng với viêm VA như là: u sọ họng, sa màng não, u xơ vòm họng, polyp đơn độc. Nhưng nhìn chung, các bệnh này tương đối hiếm gặp.

Để khám và đưa ra chẩn đoán các bệnh về VA, ngoài các phương pháp khám gián tiếp như sờ vòm, chụp xquang sọ nghiêng thì nội soi mũi họng là phương pháp đơn giản, ít chi phí, ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhi nhưng lại mang đến kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Khi xác định bé có bệnh lý về VA, tùy vào loại bệnh và mức độ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể như là điều trị nội khoa (dùng thuốc, điều trị nâng đỡ, thay đổi lối sống) hay là điều trị phẫu thuật.

Nếu tình trạng viêm VA của bé diễn ra lâu ngày và không được điều trị phù hợp sẽ làm cho bé thường xuyên gặp các triệu chứng khó chịu về mũi họng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày cũng như quá trình học tập. Việc VA quá to làm bé rất khó hít thở bằng đường mũi, phải thường xuyên hít thở bằng được miệng vì thế làm cho các răng hàm trên biến dạng, lâu ngày hình thành “bộ mặt VA”. Bên cạnh đó, việc làm chít hẹp đường hô hấp dễ dẫn đến các cơn ngưng thở khi ngủ mà trước tiên là triệu chứng ngủ ngáy dẫn đến chất lượng giấc ngủ không tốt, ảnh hưởng rất nhiều đến học tập cũng như sinh hoạt trong ngày hôm sau.

Nói tóm lại, viêm VA là một bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ và là một bệnh lành tính. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh viêm VA là rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, học tập cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu VA có chỉ định phẫu thuật, cần thực hiện càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng về sau.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Hồng Ngự hiện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cùng sự hợp tác với chuyên gia Tai Mũi Họng có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sẽ giúp bệnh nhi đưa ra chẩn đoán chính xác và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhi. Nếu bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật VA, bệnh nhi sẽ được phẫu thuật bằng phương pháp laser hiện đại với nhiều ưu điểm như: ít chảy máu, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, quá trình hậu phẫu ngắn, bệnh nhi có thể sinh hoạt, học tập bình thường sau xuất viện từ 1 đến 3 ngày. 

BS. Nguyễn Hoàng Thái

Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng BV Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự


BV Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự
TAG: