Hotline tư vấn 0348 111 515
Hotline cấp cứu 02773 828 115
banner

BVQT Tâm Trí Hồng Ngự Cứu Sống Bệnh Nhân Nam 23 Tuổi Uống Thuốc Trừ Sâu Tự Tử

Thứ sáu, 19/04/2024, 13:43 GMT+7

Khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc – Bệnh viện Quốc tế (BVQT) Tâm Trí Hồng Ngự đã cứu sống thành công trường hợp bệnh nhân tự uống thuốc trừ sâu loại LORCY 5SEC (Chlorpyrifos Ethyl 50%, Cypermethrin 5%) sau hơn 12 giờ.

Rạng sáng ngày 21/03/2024 BVQT Tâm Trí Hồng Ngự tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhân C.D, nam, 23 tuổi, ngụ Campuchia trong tình trạng hôn mê, da toàn thân lạnh, tăng tiết dịch đàm, đồng tử hai bên co nhỏ, suy hô hấp nặng với cơ thể và quần áo nồng mùi thuốc trừ sâu.

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được Bác sĩ Cấp Cứu chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu nghi do nhóm thuốc Phospho hữu cơ gây biến chứng suy hô hấp cấp và thần kinh mức độ nặng; bệnh nhân được xử trí ban đầu gồm đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở, bơm rửa dạ dày, cho uống than hoạt, tiêm thuốc giải độc đặc hiệu (Atropin).

cYp_cYu

Qua tìm hiểu, người nhà bệnh nhân cho biết: Trưa ngày trước nhập viện, do bệnh nhân buồn chuyện gia đình nên đã tự uống thuốc trừ sâu tên LORCY 5SEC (Chlorpyrifos Ethyl 50%_ thuộc nhóm thuốc Phospho hữu cơ, Cypermethrin 5%_thuộc nhóm Carbamate) khoảng hơn 50 ml (người nhà có chụp hình chai thuốc gởi từ Campuchia qua).

h

Sau khi xác định loại thuốc trừ sâu bệnh nhân uống thật sự thuộc nhóm Phospho hữu cơ thì cần dùng thêm thuốc giải độc phối hợp là PamPARA (Pralidoxime) càng sớm càng tốt trong 24 giờ sau ngộ độc thuốc, nhưng do tình trạng thuốc PamPARA khan hiếm trên toàn quốc, Bệnh viện chỉ tồn 10 ống thuốc không đủ sử dụng cho bệnh nhân nên cần hội chẩn cấp bệnh viện nhằm liên hệ huy động thuốc từ những bệnh viện khác trong tỉnh cho bệnh nhân sử dụng trong ít nhất 48 giờ sắp tới (trung bình mỗi giờ cần truyền ½ đến 1 ống). Sau hội chẩn xác định có thể huy động được thuốc giải từ các Bệnh viện trong tỉnh. Bệnh nhân được đưa nhập khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc tiếp tục điều trị gồm thở máy xâm lấn, duy trì thuốc giải độc đặc hiệu theo phác đồ, dinh dưỡng và hỗ trợ khác. Sau 2 ngày điều trị tiếp theo bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn định, có thể nghe hiểu và làm theo y lệnh của bác sĩ, có thể tự thở tốt nên được tiến hành cai máy thở, rút ống nội khí quản và tiếp tục duy trì và giảm dần liều thuốc giải theo phác đồ. Sau khi thuốc giải duy trì được 56 giờ thì ngưng. Đến ngày điều trị thứ 5 bệnh nhân rơi vào tình trạng hội chứng liệt trung gian (liên quan đến sự yếu của các nhóm cơ gốc chi, cơ gấp cổ và các cơ hô hấp xuất hiện trễ sau uống thuốc Phospho hữu cơ 72 giờ), bệnh nhân được xử trí đặt nội khí quản thở máy lại. Do bệnh nhân rơi vào thể liệt trung gian hiếm gặp và phải thở máy lại lần thứ 2 nên tiên lượng bệnh dè dặt và khả năng liệt không hồi phục phải lệ thuộc máy thở do việc dùng thêm thuốc giải độc gồm PamPARA và Atropin có thể không còn tác dụng. Bác sĩ Hồi sức - Tích cực - Chống độc đã tiến hành hội chẩn cấp bệnh viện lần nửa và giải thích kỹ tình trạng bệnh, lựa chọn hướng điều trị tiếp theo và tiên lượng bệnh cho người nhà. Với sự phối hợp của người nhà và quyết tâm của bệnh viện thống nhất tiếp tục điều trị cho bệnh nhân và huy động thêm gần 50 ống PamPARA từ Bệnh viện tỉnh để điều trị thêm cho người bệnh. Trong 3 ngày tiếp theo, bệnh nhân được duy trì thở máy xâm lấn, đánh giá công thở hằng ngày thấy có hồi phục dần. Đến ngày điều trị thứ 9, bệnh nhân đã có thể tự thở tốt, ho khạc mạnh nên được tiến hành cai máy thở, rút ống nội khí quản. Bệnh nhân tiếp tục được duy trì thuốc giải đến ngày điều trị thứ 12 thì ngưng. Sau đó bệnh nhân được theo dõi thêm 2 ngày, trong 2 ngày này bệnh nhân không có dấu hiệu liệt cơ hô hấp lại, tự thở khí trời, có thể vận động đi lại quanh giường. Đến sáng ngày điều trị thứ 15 bệnh nhân được cho xuất viện trong tình trạng sức khoẻ tốt, không yếu liệt.

Với tinh thần phục vụ 24/24 theo dõi sát sao cùng với hướng điều trị tích cực của đội ngũ y, bác sỹ khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc. Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tự thở được, dấu hiệu sinh tồn ổn định và đã được bác sĩ cho xuất viện. Có thể nói bệnh nhân đã thoát được “lưỡi hái tử thần” chính nhờ vào sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ nơi đây.

Thời gian gần đây, BVQT Tâm Trí Hồng Ngự liên tục tiếp nhận các trường hợp tự tử đa số là các bệnh nhân sử dụng quá liều paracetamol hoặc thuốc an thần và ngộ độc thuốc trừ sâu đều là những bệnh nhân rất nặng, cận kề với cái chết. Nhưng với những trình độ chuyên môn, kỹ thuật hiện đại các bác sĩ khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân tưởng chừng như đã không qua khỏi được bình phục trở lại, cũng như kéo dài sự sống để bệnh nhân được trở về đoàn tụ với gia đình bằng tất cả tấm lòng và y đức.

Các bác sĩ cảnh báo, đối với trường hợp bệnh nhân ngộ độc, tốt nhất là cho bệnh nhân ói tại chỗ sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong thời gian sớm nhất để tận dụng giờ vàng điều trị thì khả năng cứu sống và hồi phục của bệnh nhân sẽ cao hơn.


Ths.Bs Lương Thị Ngọc Anh - Bệnh viện Quốc tế Tâm Trí Hồng Ngự

Giới hạn tin theo ngày :