Hotline tư vấn 0348 111 515
Hotline cấp cứu 02773 828 115
banner

BÁO ĐỘNG TRẦM CẢM Ở NGƯỜI CAO TUỔI: TỰ TỬ BẰNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Thứ hai, 18/09/2023, 14:19 GMT+7

Khi tuổi tác ngày càng cao, người già dễ mắc những bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái thóa đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, suy thận, xương khớp, ung thư... người già rất dễ chán nản, buồn rầu về sức khoẻ dẫn đến trầm cảm. Khi trầm cảm đồng hành với các loại bệnh tật là một vấn đề đáng báo động ở người cao tuổi.

Vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Tâm Trí Hồng Ngự liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện với chẩn đoán ngộ độc đến từ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc an thần,... Qua khai thác, tìm hiểu thông tin từ gia đình thì các trường hợp bệnh nhân này đều có những biểu hiện của trầm cảm như buồn rầu, lo âu, mất ngủ, ít giao tiếp,...

Điển hình là trường hợp bệnh nhân Đ.T.B (63 tuổi, trú tại huyện Hồng Ngự , tỉnh Đồng Tháp) được chuyển đến khoa Cấp cứu trong tình trạng bệnh nhân lơ mơ, không tiếp xúc. Thông qua khai thác bệnh với người nhà và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.

Ngay lập tức Ekip Cấp cứu can thiệp bảo vệ đường thở, bơm rửa dạ dày sau đó chuyển nhập khoa Hồi sức Tích cực Chống độc điều trị tiếp. Tại đây bệnh nhân được điều trị thở máy, thuốc hóa giải và tăng đào thải chất độc ra nước tiểu. Sau điều trị 2 ngày, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, được cai máy thở thành công. Đến hiện tại bệnh nhân đã được xuất viện, tình trạng sức khỏe ổn và giao tiếp tốt.

Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân từng mắc ung thư tuyến giáp và điều trị phẫu thuật cách 4 năm, đang theo dõi và điều trị định kỳ tại BV Ung Bướu mỗi 3-6 tháng. Khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân liên tục than đau vùng hầu họng nhiều, có khám điều trị 1-2 lần nhưng không giảm, dần dần bệnh nhân không muốn nói chuyện hay giao tiếp với người nhà. Cách nhập viện khoảng 5 tiếng , bệnh nhân đã tự pha các loại dung dịch thuốc bảo vệ thực vật và uống ( khoảng 100ml, rót vào chén và bổ sung thêm các gia vị dùng trong nấu ăn ). Sau đó người nhà phát hiện và đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng bệnh mệt đừ, thở khó.

Người già biểu hiện như thế nào thì được gọi là bị trầm cảm ?

Thực tế cho thấy, người cao tuổi bị trầm cảm có thể không biết mình bị trầm cảm. Thay vào đó, họ than phiền về triệu chứng bệnh của cơ thể như rối loạn tiêu hoá, triệu chứng bệnh tim, đau nhức c­ơ, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung, hoặc đột nhiên ít giao tiếp đi,.. nói chung là thể lực sút kém. Khi đó, rất khó để kết luận đâu là triệu chứng bệnh thực thể, đâu là do trầm cảm.

Bệnh trầm cảm dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như đái tháo đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp.... Các chuyên gia ước tính ở những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể như trên, tỷ lệ bị trầm cảm có thể lên 20 – 35%.

Không phải dễ dàng để có thể nhận biết được bệnh trầm cảm ở người cao tuổi, tuy nhiên có một số dấu hiệu điển hình mà ta có thể xác định được nguy cơ như:

  • Biến đổi về nhân cách : Người bị bệnh trầm cảm bắt đầu cảm thấy giảm sự quan tâm chú ý, mất đi các hứng thú đối với các hoạt động, các đồ vật, người thân yêu mà trước đây họ từng quan tâm, yêu quí.
  • Tự cô lập bản thân : Những người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Người cao tuổi bị trầm cảm thường “bỏ cuộc” tách khỏi các hoạt động xã hội cũng như các thú vui tiêu khiển khác.
  • Thay đổi về tâm trạng : Họ trở nên nhạy cảm hơn, dễ dàng khóc hay luôn cảm thấy muốn khóc, thường lo lắng bất an nhiều.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người cao tuổi.

PhYYng_phap_gay_te_ngoai_mang_cYng

Nhiều người già hiện nay bị mắc chứng trầm cảm. Các yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý đều có tác động gây nên bệnh trầm cảm ở người cao tuổi như :

- Hạn chế khả năng di chuyển (già yếu, tàn tật, đau nhức xương khớp…)

- Bị cô lập hoặc cuộc sống cô đơn;

- Suy nghĩ tới cái chết.

- Khó khăn về tài chính.

- Lạm dụng chất gây nghiện kéo dài.

- Trải qua những cú sốc tâm lý : (cái chết của bạn bè và người thân, Bước vào giai đoạn hưu trí, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, ) .... đều là những sự kiện có thể tác động rất mạnh đến người cao tuổi.

- Ở góa hoặc ly dị.

- Mắc các bệnh mạn tính ( như bệnh tuyến giáp, viêm khớp, thấp khớp, đột quỵ, tiểu đường hoặc Parkinson...)

- Yếu tố di truyền: ở một số người, trầm cảm có thể là một bệnh di truyền. Khi có người thân bị trầm cảm thì người đó cũng dễ mắc trầm cảm hơn.

Chăm sóc người cao tuổi bị trầm cảm điều gì cần chú ý nhất?

Liệu pháp điều trị về tâm lý là phương pháp điều trị bệnh trầm cảm tốt nhất và đặc biệt là trầm cảm ở người cao tuổi. Trong đó, gia đình là nhân tố hàng đầu trong việc hỗ trợ điều trị. Nếu có người thân mắc bệnh, người nhà nên ở bên thường xuyên, chăm sóc và động viên người bệnh, không để họ có cảm giác bị bỏ rơi hay cô đơn.

Trầm cảm là bệnh tâm lý nên cần thường xuyên trò chuyện, tâm sự với người bệnh để giải tỏa tâm lý, tránh tạo thêm áp lực cho người bệnh. Giúp người bệnh tìm một sở thích hoặc thú vui như: trồng cây, đọc sách, nuôi cá, tập luyện thể dục nhẹ nhàng... để người bệnh thư thái, có những phút giây thoải mái

Đối với người bệnh đang điều trị thuốc thì cần đặc biệt lưu ý cho người bệnh dùng thuốc đúng liều và đề phòng các tác dụng phụ của thuốc.

Một tin vui là bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi, việc chăm sóc người bị trầm cảm có thể gây mệt mỏi, điều này cần đòi hỏi người nhà hết sức kiên trì và tuyệt đố nhẹ nhàng với bệnh nhân trong các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt. Bên cạnh đó cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý qua các bửa ăn giúp đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

 


BV Tâm Trí Hồng Ngự
TAG:

Giới hạn tin theo ngày :