Thứ tư, 17/05/2023, 14:56 GMT+7
Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Hồng Ngự vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh giảm áp thường gặp ở thợ lặn.
Bệnh nhân N.V.N, giới tính nam, 57 tuổi, làm nghề thợ lặn, có tiền căn viêm dạ dày nhập cấp cứu BVĐK Tâm Trí Hồng Ngự trong tình trạng đau thượng vị cấp tính. Thông qua hỏi bệnh sử và thăm khám ban đầu, bệnh nhân được BS cấp cứu chẩn đoán theo dõi thủng tạng rỗng. Sau đó, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển chụp CT scan bụng không tiêm thuốc cản quang. Kết quả CT scan bụng ghi nhận có nhiều khí trong tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch mạc treo và tĩnh mạch vùng chậu. Không có khí và dịch tự do trong ổ bụng.
Vì chưa xác định được nguyên nhân nên bệnh nhân được thăm khám và hỏi kỹ bệnh sử một lần nửa. Cụ thể, cách nhập viện khoảng 30 phút, trong lúc bệnh nhân đang nằm nghỉ sau khi lặn kéo cáp quang ở độ sâu hơn 20 m dưới nước thì xuất hiện triệu chứng đau đầu, xây xẩm, vã mồ hồi lạnh, sau đó thì đau thượng vị, kiểu căng chướng liên tục, dữ dội, không lan, không buồn nôn, không nôn, kèm tê dọc 2 chân từ đùi xuống cẳng chân
Thông qua hội chẩn liên khoa BS cấp cứu và BS CĐHA, bệnh nhân được kết luận là bệnh giảm áp hay bệnh thùng lặn. Trong vòng 60p kể từ khi nhập viện, đội ngũ Ekip cấp cứu đã khẩn trương tìm ra nguyên nhân và xử trí cấp cứu nhanh chóng, bệnh nhân được xử lý truyền dịch đẳng trương, thở Oxy qua Mask 15 lít/ phút và chuyển viện Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị đặc hiệu kịp thời.
Thông qua ca bệnh này, chúng tôi xin tổng quan về bệnh giảm áp.
Bệnh giảm áp là một bệnh nghề nghiệp thường gặp ở thợ lặn, với tỉ lệ tử vong và thương tật cao. Tần suất xảy ra rất hiếm, khoảng 2-4/10.000 lần lặn ở các thợ lặn không chuyên, tỉ lệ tử vong trung bình 1,8/100.000 thợ lặn/ năm theo số liệu thống kê của “the Divers Alert Network” năm 2018.
Thợ lặn sử dụng bình dưỡng khí nén không chỉ có oxy mà còn chứa khí Nitơ và Heli, hai loại khí này là khí trơ nên có thể xuyên qua các màng tế bào và đi vào các mô của cơ thể sau khi được hít vào. Theo định luật Henry, lượng khí hoà tan trong chất lỏng tỷ lệ thuận với áp suất riêng phần của chất khí ở trạng thái cân bằng với chất lỏng đó. Như vậy, khi thợ lặn lặn càng sâu dưới nước thì áp suất càng cao nên lượng khí trơ (Nitơ và Heli) hoà tan trong cơ thể càng nhiều. Trong quá trình thợ lặn ngoi lên mặt nước, áp suất giảm dần nên độ hoà tan của khí trơ giảm theo và khí dư được thải dần ra ngoài cơ thể qua phổi. Cụ thể, các khí trơ từ các mô gôm trở lại máu, tới phổi rồi thải ra ngoài.
Do đó, bệnh giảm áp xảy ra khi thợ lặn ngoi lên quá nhanh dẫn tới áp suất riêng phần chất khí trơ giảm nhanh theo và không kịp hòa tan lượng khí dư vào máu để đến phổi thải ra ngoài, kết quả khí trơ dư bị tích tụ lại trong các mô của cơ thể. Mà khí tích tụ ở vùng nào thì gây triệu chứng hoặc tổn hoại ở vùng đó và đồng thời chúng có thể di chuyển theo mạch máu tới các cơ quan gây tắc mạch (tắc động mạch do khí), đặc biệt nguy hiểm nếu tích tụ ở não có thể gây đột quỵ, ở tuỷ sống thì gây liệt chi hoặc tiêu tiểu không tự chủ, ở phổi có thể gây thuyên tắc phổi dẫn tới tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời. Còn ca bệnh ở Khoa Cấp Cứu BVĐK Tâm Trí Hồng Ngự thì bị ở vùng bụng, đùi nên có triệu chứng đau bụng và tê, dị cảm hai chân nhưng vì những bóng khí có thể di chuyển theo mạch máu gây tắc các cơ quan khác nên bệnh nhân sau khi được sơ cứu đã được chuyển lên Bệnh Viện Chợ Rẫy để điều trị đặc hiệu.
Hiểu biết về cơ chế gây bệnh giúp Bác sỹ can thiệp, điều trị bệnh bằng cách phải làm tan bọt khí trở lại và giải phóng lượng khí dư đó ra ngoài qua đường phổi. Và liệu pháp Oxy cao áp là phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh này. Thuốc và các phương pháp khác không làm tan được bọt khí nhất là các bọt khí lớn. Liệu pháp này được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân, trừ những bệnh nhân có triệu chứng chỉ giới hạn ở ngứa, dị cảm, đốm da và mệt mỏi, có thể điều trị được bằng oxy đơn thuần; bệnh nhân nên được quan sát để biết tình trạng xấu đi. Vì thời gian để điều trị và mức độ nghiêm trọng của tổn thương là những yếu tố quan trọng quyết định đến tiên lượng bệnh nhân, do đó không nên trì hoãn việc vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở điều trị oxy cao áp bởi việc thực hiện các thủ thuật không cần thiết.
Khi điều trị bằng phương pháp oxy cao áp, bệnh nhân được nhanh chóng đưa trở lại môi trường áp suất cao, tạo điều kiện các bọt khí nitơ hòa tan trở lại trong máu và các dịch thể của cơ thể. Nitơ hòa tan được đưa tới phổi để giải phóng ra ngoài khi áp suất giảm rất chậm theo bậc thang. Mặt khác trong khoang cao áp, áp suất riêng phần của oxy cao tạo điều kiện quá trình giải phóng Nitơ nhanh hơn. Đồng thời oxy góp phần cắt đứt các quá trình bệnh lý, giúp hồi phục chức năng hệ thần kinh cùng các cơ quan khác của cơ thể.
Để phòng ngừa bệnh giảm áp, các thợ lặn cần được huấn luyện lặn đúng kỹ thuật có trang bị kỹ thuật bảo hộ lao động là quan trọng. Và tránh các yếu tố nguy cơ sau:
Nhưng nếu không may mắc bệnh này cần đưa đến các cơ sở điều trị oxy cao áp càng sớm càng tốt.
THS.BS. Lương Thị Ngọc Anh
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Tâm Trí Hồng Ngự