Hotline tư vấn 0348 111 515
Hotline cấp cứu 02773 828 115
banner

Chụp X-quang có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không ?

Thứ năm, 06/07/2023, 08:49 GMT+7

Bài viết được sự tham vấn chuyên môn bởi BS.CKI. Phạm Quốc Thuần, BS.CKI. Thái Ngọc Thành.  KTV Trưởng Phan Văn Giàu. Bệnh Viện Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự.  (Tài liệu tham khảo: Tài liệu An Toàn Bức Xạ Sở KH & CN Đồng Tháp)

 1. Bức xạ là gì?

Bức xạ là nguồn năng lượng di chuyển trong không gian, bao gồm ánh sáng, tia X, tia gamma, sóng vi ba và sóng vô tuyến. Bức xạ có nhiều công dụng, chẳng hạn như khử trùng thực phẩm và thiết bị y tế, tạo ra hình ảnh chẩn đoán hay thậm chí là điều trị một số bệnh lý.

2Bức xạ đến từ đâu?

Bức xạ hầu như có mặt ở khắp nơi. Có hai nguồn bức xạ chính là:

  • Bức xạ nền tự nhiên: đến từ mặt trời (bức xạ vũ trụ), trái đất (khí Radon) và các chất phóng xạ tự nhiên trong cơ thể con người. Trung bình một người bị phơi nhiễm 3,1 mSv bức xạ nền tự nhiên mỗi năm tùy thuộc vào nơi họ sống.
  • Bức xạ phơi nhiễm y tế: chủ yếu xuất phát từ máy x- quang, ct canner, Máy DSA

3. Giới hạn mức chiếu xạ

Từ những năm 30, ICRP (International commission on radiological Protection – Ủy ban quốc tế về an toàn bức xạ) đã khuyến cáo rằng mọi tiếp xúc với bức xạ vượt quá giới hạn không bình thường nên giữ ở mức độ càng thấp càng tốt. Khuyến cáo đó được bổ sung bằng những khuyến cáo giới hạn liều được điều chỉnh hàng năm, để giúp công nhân làm việc trong điều kiện bức xạ và công chúng, bệnh nhân nói chung phòng tránh quá liều. Các giới hạn khuyến cáo gần đây nhất được đưa ra năm 1990. Nó không là giới hạn bắt buộc, nhưng đã được thông qua như là quy tắc luật pháp ở nhiều nước.

Năm

Cho nhân viên bức xạ

Cho dân chúng

1950

150mSv/ năm

15mSv/ năm

1957

50mSv/ năm

5mSv/ năm

1990

20mSv/ năm

1mSv/ năm

Đối với công nhân: Theo khuyến cáo của ICRP, thì mức liều đối với công nhân không nên vượt quá 50 mSv/năm trong một năm riêng lẻ bất kỳ và liều trung bình cho 5 năm không được vượt quá 20 mSv. Nếu một phụ nữ mang thai làm việc trong điều kiện bức xạ, thì giới hạn liều nghiêm ngặt hơn cần được áp dụng là 1 mSv. Giới hạn liều được chọn để bảo đảm rằng :  Rủi ro nghề nghiệp đối với nhân viên bức xạ không cao hơn rủi ro nghề nghiệp trong các ngành công nghiệp khác được xem là an toàn nói chung.
Đối với công chúng: Giới hạn liều đối với công chúng nói chung thấp hơn đối với nhân viên bức xạ. ICRP khuyến cáo rằng giới hạn liều đối với công chúng không nên vượt quá 1 mSv/1 năm.
Đối với bệnh nhân: ICRP không có khuyến cáo giới hạn liều đối với bệnh nhân.Ở nhiều phép chụp X-quang, bệnh nhân phải chiếu liều cao hơn nhiều lần so với giới hạn liều cho công chúng. Trong xạ trị, liều chiếu có thể tăng gấp hàng trăm lần so với giới hạn liều đối với công nhân. Bởi vì liều xạ trị được dùng là để xác định bệnh và để chữa bệnh, nên hiệu quả của điều trị được xem là cần thiết hơn ngay cả khi phải dùng đến liều cao.

4. Chụp X- quang là gì?

ANH_02

Chụp X quang là phương pháp sử dụng máy chụp X quang có khả năng phát ra nguồn năng lượng cao và chiếu các chùm tia X lên cơ thể nhằm dựng lại hình ảnh để khảo sát.

Các chùm tia X xuất phát từ máy chụp X quang sẽ đi xuyên qua bề mặt vật thể, ví dụ như cơ thể người, rồi tiếp tục xuyên qua các bộ phận bên trong và cuối cùng sẽ tạo thành ảnh chụp trên các tấm phim đen trắng

Từ đó, có được những hình ảnh cần thiết, mang lại giá trị to lớn trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rất phổ biến. Hiện nay, phương pháp này còn có thể chụp phim tại giường. Điều này giúp ích rất nhiều cho những bệnh nhân không thể di chuyển khỏi phòng bệnh.

 Ưu điểm của kĩ thuật chụp X Quang là

  • Kỹ thuật, thực hiện dễ dàng, không mất nhiều thời gian. 
  • Chi phí của một lần chụp rẻ và phù hợp với nhiều đối tượng. 
  • Liều nhiễm xạ rất thấp do sử dụng hệ thống kĩ thuật số. 
  • Mất khoảng 3-5 giây đã cho ra một bức ảnh chụp. 
  • Có thể phát hiện ra được một số tổn thương cơ bản và nhận định phương pháp kĩ thuật thăm khám tiếp theo. 

Nhược điểm của phương pháp chụp X Quang là

  • Không thấy rõ được đặc tính, bản chất bên trong của tổn thương 
  • Một số tổn thương có thể bị che lấp hoặc khó phát hiện ra do chồng ảnh.
  • Khó có thể quan sát được một số tổn thương nhỏ ở phổi. 
  • Hạn chế đối với phụ nữ có thai và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. 
  • Hạn chế quan sát được tổn thương ở trong ổ bụng ngoại trừ tắc ruột, thủng tạng rỗng

5. Chụp X quang khi nào?

Chụp X-quang khi được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán:

  • bệnh cơ xương khớp: gãy xương, loãng xương, viêm khớp…
  • bệnh về răng: sâu răng, viêm nướu, răng mọc lệch…
  • bệnh liên quan đến tim hoặc phổi: viêm phổi, phù phổi, mở rộng phổi
  • phát hiện dị vật trong cơ thể…

6. Chụp X-quang có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không ?

Trên thực tế, bức xạ luôn tồn tại ở trong tự nhiên từ các nguồn như: mặt trời, các nguyên tố phóng xạ trong mặt đất, phóng xạ thâm nhập trong cây cối và động vật, khí phóng xạ trong các tòa nhà:

- Chụp X-quang sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu như biết cách quãng thời gian chụp hợp lý khoảng 5-7 lần/năm. Nếu 1 tuần chụp X-quang 2 lần bạn phải được bác sĩ chỉ định trong trường hợp thực sự cần thiết, không nên tự ý đi chụp hoặc quá lạm dụng.

- Việc lo sợ rủi ro từ bức xạ tia X có thể dẫn đến không phát hiện được bệnh, chẩn đoán bệnh trễ, từ đó giảm khả năng điều trị và tăng thời gian, chi phí điều trị. 

- Để giảm nguy cơ từ bức xạ X-quang cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ có cân nhắc về mức độ cần thiết, liều lượng thích hợp, tần suất chụp, cũng như kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau.

- Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra những tiêu chuẩn an toàn trong việc thực hiện kỹ thuật chụp X-quang. Chụp X-quang cần được tiến hành trong điều kiện an toàn, phòng chụp, thiết bị chụp đạt tiêu chuẩn nếu không sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Bên cạnh đó đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện chụp X-quang cũng cần phải được đào tạo bài bản về chuyên môn, nếu không sẽ nguy hiểm cho người bệnh.

ANH_0222

PHỤ NỮ MANG THAI: Mặc dù X-quang không có nhiều nguy cơ đối với sự phát triển của thai nhi, nhưng phụ nữ đang có thai không nên tiếp xúc với tia X trong suốt thời kỳ mang thai, đặc biệt là vùng bụng – chậu. Nguy cơ này tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ và loại tia X. Phụ nữ mang thai có thể thực hiện các kỹ thuật khác như siêu âm hay chụp cộng hưởng từ. Và trong trường hợp bắt buộc phải dùng đến X-quang thì cần sử dụng các biện pháp bảo vệ.

Trẻ em chụp X-quang

Cũng như phụ nữ mang thai, trẻ em khi chụp X-quang cũng sẽ được đeo tạp dề chì để bảo vệ cơ thể khỏi tiếp xúc với tia X. Điều này giúp giảm thiểu được liều tia bức xạ tác động lên trẻ. Nhìn chung, nếu trẻ được chụp X-quang đúng cách và đúng quy trình thì sẽ không chịu những tác động xấu từ tia X đến sức khỏe của trẻ. Còn trong trường hợp trẻ chụp X-quang nhưng cử động, phải chụp lại nhiều lần hoặc không được đeo tạp dề chì bảo vệ, kỹ thuật viên không biết điều chỉnh liều chiếu xạ thì nguy cơ trẻ tiếp xúc với tia X cao hơn. Như vậy các bạn cần đến thăm khám những Bệnh viện lớn có uy tín.

7. Những cách để giảm tiếp xúc với bức xạ y tế

  • Đến nơi thăm khám và chụp X quang tại những bệnh viện lớn, uy tín
  • Lưu giữ kết quả cũ để hạn chế phải chụp hình lần nữa khi thay đổi nơi chẩn đoán
  • Tránh những phòng khám nhỏ hoặc cơ sở y tế quá đông đúc, nhân viên ở đây sẽ có xu hướng cho bệnh nhân chụp X quang hoặc CT để rút ngắn thời gian chẩn đoán

Tóm lại 

chụp X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến  trong công tác khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trong và ngoài nhà nước với chi phí tương đối thấp, kĩ thuật thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và có những chẩn đoán định hướng ban đầu. 

 Bệnh viện Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự, đã sớm nhận ra được tầm quan trọng của việc ứng dụng kỹ thuật cao vào việc khám chữa bệnh nên ngay từ năm 2023 bệnh viện đã lắp đặt hệ thống chụp X quang DR kỹ thuật số hiện đại với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản và trình độ kỹ thuật tốt, giúp đảm bảo chất lượng hình ảnh và chuyên môn tốt nhất đến với từng khách bệnh nhân.

 

KTV. Võ Văn Tân

Khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV Tâm Trí Hồng Ngự


TAG:

Giới hạn tin theo ngày :