Hotline tư vấn 0348 111 515
Hotline cấp cứu 02773 828 115
banner

DỊ VẬT TAI MŨI HỌNG - KHÔNG NÊN CHỦ QUAN

Thứ tư, 29/03/2023, 13:55 GMT+7

 

Dị vật tai mũi họng là một trong những cấp cứu thuộc chuyên khoa tai mũi họng thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.  Các cơ quan tai mũi họng thường là các hốc rỗng, đặc biệt vùng hầu họng là ngã tư đường ăn, đường thở, vì vậy khi gặp phải dị vật vùng tai mũi họng cần cần xử trí cấp cứu kịp thời, một số trường hợp cần sự hỗ trợ can thiệp sâu của các bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng … Nếu không xử trí đúng và kịp thời, di vật tai mũi họng có thể gây những biến chứng khó lường, nguy hiểm đến tính mạng như: ngạt thở  (hay gặp trong dị vật đường thở), áp-xe họng (hay gặp trong dị vật tại họng), viêm mũi cấp, viêm xoang (gặp trong dị vật tại hốc mũi), thủng màng nhĩ (đối với dị vật tai).

Thông thường có ba nơi dị vật thường vào nhất là:  Ống tai ngoài, hốc mũi và amidan.

Tai có cấu tạo gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ống tai ngoài là phần nằm ở vị trí phía ngoài, từ vành tai đến màng nhĩ. Ống tai ngoài thường không thẳng, mà cong giống như hình chữ S. Do đó, vật thường bị kẹt ở vị trí này, gây khó khăn cho việc lấy. Những hành động cố gắng lấy dị vật có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc dễ gây tổn thương màng nhĩ.

tai_mYi_hYng_1

  • Các dị vật ông tai ngoài thường gặp nhất là:  đầu bông tăm rơi ra trong quá trình ngoáy tai. Bên cạnh đó, các dị vật nhỏ với kích thước vừa ống tai như hạt chuỗi, đầu bút chì, viên bi sắt….cũng rất thường gặp do trong quá trình chơi đùa các bé tự nhét vào tai. Ngoài ra, các loại côn trùng nhỏ như kiến, ruồi, bọ cánh cứng vào tai lúc nghĩ ngơi hay hạt lúa, mảnh kim loại rơi vào tai trong quá trình lao động cũng xảy ra thường xuyên...
  • Dị vật hốc mũi: Ở trẻ em, hốc mũi là nơi các bé thường xuyên nhét dị vật vào. Các dị vật thường thấy là mảnh đồ chơi, nhựa hay kim loại, các loại hạt, bút màu, nắp bút bi và nhiều loại đồ chơi dụng cụ học tập khác...Ở người lớn, dị vật mũi vẫn xảy ra, thường thấy là khi ho hoặc sặc thức ăn làm rơi hạt thức ăn hay mảnh xương vào hốc mũi.
  • Dị vật amidan: Hóc xương rất hay thường gặp và amidan là vị trí rất dễ làm vướng xương vào nhất. Trong quá trình ăn thức ăn có xương, nhai nuốt vội dẫn đến hóc xương và xương cá là loại xương thường gặp nhất trong các loại hóc xương ở vị trí amidan. Bên cạnh đó cũng có các loại dị vật khác như xương gà, xương vịt, vỏ tôm, vỏ tép,.
  • hoc_di_vat-1473234097-width500height333

Ngoài ống tai ngoài, hốc mũi, amidan là những nơi mắc dị vật thường gặp và không quá nguy hiểm. Nhưng có một số vị trí mắc dị vật khác nhau như : thanh quản, thực quản, khí quản…đây là các vùng mắc dị vật nguy hiểm, dễ gây biến chứng chết người.

Ở các trường hợp người lớn bị mắc dị vật Tai mũi họng, bệnh nhân rất dễ nhận biết do các dị vật gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của bệnh nhân. Nhưng đối với các trẻ em đôi khi mắc dị vật diễn ra một cách âm thầm, chỉ khi có biến chứng (chảy mủ tai, chảy dịch mũi, nôn ói, sốt…) thì người nhà mới phát hiện.

vat-nho

Tóm lại, dị vật trong Tai Mũi Họng phần lớn là dị vật đơn giản, dễ xử trí, nhưng chúng ta không nên chủ quan. Khi ăn nên ăn chậm nhai kỹ đối với các loại thức ăn có nhiều xương chưa được loại bỏ, tránh cười nói khi ăn, đối với trẻ nhỏ cần nên loại bỏ hết tất cả xương ra khỏi thức ăn, tránh cho trẻ dùng các loại thức ăn có kích thước lớn và cứng. Khi lao động ở các môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến tai mũi họng, cần có trang bị phòng hộ bảo vệ Tai mũi họng đầy đủ. Đối với trẻ em, không nên cho bé tiếp xúc với các món đồ chơi có kích thước nhỏ, những vật sắc nhọn.

Khi có các dấu hiêu bất thường hoặc phát hiện dị vật rơi vào tai mũi họng, không nên tự ý lấy dị vật ra, tránh làm tình trạng nặng nề thêm. Nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

BS. Nguyễn Hoàng Thái

Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Tâm Trí Hồng Ngự



Giới hạn tin theo ngày :