Thứ hai, 04/09/2023, 07:57 GMT+7
Buồng trứng là một cơ quan thuộc hệ sinh sản của người phụ nữ. Bình thường có 2 buồng trứng nằm hai bên tử cung. Chức năng chính của buồng trứng là sản sinh ra trứng (noãn) và 2 nội tiết sinh sản là estrogen và progesterone.
Trong một số trường hợp, một hoặc hai buồng trứng có thể xuất hiện một cấu trúc dạng nang đơn thuần hoặc có nhiều vách ngăn hoặc thậm chí là một khối đặc gọi chung là u buồng trứng. U buồng trứng có thể là u lành hoặc u ác tính tùy thuộc nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi của người phụ nữ (tuổi càng cao thì nguy cơ ác tính càng cao) và loại u (nguồn gốc, cấu tạo của khối u). U buồng trứng đa số không có dấu hiệu nhận biết sớm, đa số là tình cờ phát hiện u buồng trứng khi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe tổng quát, u buồng trứng tiến triển âm thầm nhiều tháng hay nhiều năm đến khi phát hiện thì khối u đã rất lớn. Không giống như ung thư vú hay ung thư cổ tử cung; ung thư buồng trứng vẫn chưa có phương pháp nào tầm soát hiệu quả. Do đó, nếu không được phát hiện sớm hoặc đã phát hiện nhưng lại trì hoãn điều trị khi có chỉ định thì u buồng trứng có thể biến thành khối u rất to gây biến chứng (xoắn u, chèn ép và vỡ u) hoặc thậm chí tiến triển thành ác tính.
Vừa qua tại Bệnh viện quốc tế Tâm Trí Hồng Ngự vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (65 tuổi ngụ tại Hồng Ngự - Đồng Tháp). Bệnh nhân biết u buồng trứng cách đây 3 năm khi khám tại bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM, lúc này khối u còn nhỏ và bác có đề nghị phẫu thuật nhưng vì lý do kinh tế nên bệnh nhân chưa đồng ý. Cách vào viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân cảm thấy bụng to bất thường và đau bụng dưới. Sau quá trình thăm khám, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Thông qua kết quả siêu âm Doppler và CTscan vùng chậu phát hiện khối u buồng trứng bên phải, kích thước 99 x 130 x 138mm, bên trong có nhiều vách ngăn. Bênh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp khoảng 10 năm đang điều trị.
*Khối u sau khi được lấy ra
Không giống với các trường hợp khác, đây là một trường hợp đặc biệt trong vấn đề chẩn đoán và xử trí vì bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp và tăng lipid máu, thời điểm nhập viện đường huyết của bệnh nhân khá cao, trên 200mg/dl, HbA1c là 11%. Tuy nhiên, qua thăm khám, phân tích kết quả siêu âm và CTscan các bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ Khoa, bác sĩ Nội khoa và bác sĩ Gây mê hồi sức đã hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời cho bệnh nhân là ổn định đường huyết bằng thuốc tiêm sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật.
Ê kíp phẫu thuật bác sĩ Sản Phụ khoa và bác sĩ Gây mê hồi sức đã thực hiện phẫu thuật. Vì khối u đã phát triển quá to, bệnh nhân đã mãn kinh nên các bác sĩ quyết định cắt bỏ toàn bộ tử cung và 2 phần phụ kèm khối u.
Hậu phẫu, bệnh nhân được điều trị tại khoa Sản, hiện tại sức khỏe hồi phục tốt và ổn định, có thể vận động nhẹ nhàng, dự kiến sau 5 ngày điều trị bệnh nhân có thể xuất viện.
Theo bệnh nhân chia sẻ “Cô đã biết mình có khối u cách đây 3 năm sau một lần khám sức khỏe tại bệnh viện tuyến trên, lúc đó khối u còn nhỏ chưa cần điều trị. Sau đó đi khám lại có chỉ định phẫu thuật, Bác sĩ có cho thuốc kiểm soát đường huyết về uống và hẹn tái khám để phẫu thuật. Nhưng cô thấy bất tiện vì khoảng cách đi lại giữa những lần tái khám quá xa và hẹn tái khám nhiều lần”
“ Cho đến thời gian gần đây, khi đến Tâm Trí Hồng Ngự thăm khám, được biết khối u đã to hơn và cần phải thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ thăm khám tư vấn với cô rõ ràng và tận tâm nên cô rất hài lòng và quyết định điều trị tại đây. Sau hậu phẫu lại được các nhân viên điều dưỡng và Bác sĩ quan tâm chăm sóc chu đáo, thăm khám mỗi ngày. Nên cô rất hài lòng với dịch vụ tại bệnh viện. ”
Thông qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị kịp thời u buồng trứng khi có chỉ định.
Khoa Sản